Nguyên tắc quả táo hỏng – John C. Maxwell

CHƯƠNG 8: NGUYÊN TẮC QUẢ TÁO HỎNG

image

Thái độ sai sẽ phá hỏng nhóm

Để giành chiến thắng, dĩ nhiên là cần có tài năng. Nhưng nếu chỉ có tài năng thì không đủ mang lại thành công cho cả nhóm. Để chiến thắng, còn cần nhiều thứ hơn là có nhiều người tài giỏi. Các thành viên trong đội bóng rổ thời học trung học của tôi đều rất tài năng nhưng chúng tôi lại không đạt được chức vô địch. Lý do là trong đội vẫn còn nhiều thái độ không tốt. Do đó, thái độ đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giành được chiến thắng. Để hiểu rõ hơn về thái độ, trước hết bạn cần biết:

Thái độ là…

  • Phần cấp tiến nhất trong bản thân bạn.
  • Gốc rễ bên trong nhưng thành quả lại ở bên ngoài.
  • Người bạn tử tế hoặc kẻ thù đáng sợ nhất.
  • Nó trung thực và bền vững hơn lời nói.
  • Thể hiện ra bên ngoài nhưng dựa vào kinh nghiệm từng trải.
  • Thu hút mọi người hay làm họ khó chịu.
  • Chẳng khi nào là đủ nếu không được thể hiện ra.
  • Nó còn là người thủ thư của quá khứ.
  • Là người phát ngôn của hiện tại.
  • Và là sự tiên đoán cho tương lai chúng ta.

Một thái độ đúng không đủ đảm bảo cho thành công của nhóm, nhưng thái độ sai lầm chắc chắn dẫn tới thất bại.

Muốn hiểu rõ tầm ảnh hưởng của thái độ đến hoạt động nhóm, hãy xem xét năm thực tế dưới đây:

1. Thái độ có sức mạnh phát triển hoặc phá vỡ nhóm

Trong cuốn The winner Edge (Tố chất thắng lợi) của Denis Waitley có nói: “Điểm khác biệt tạo nên những nhà lãnh đạo thực thụ và giúp họ khác những người khác nằm ở tố chất của họ. Tố chất này không phải bẩm sinh, không thiên về trí thông minh, tài nghệ hay năng khiếu đặc biệt, nó do thái độ của họ quyết định mà thôi.”

Nhiều người cho rằng tài năng (hay tài năng và kinh nghiệm) quyết định tất cả. Nhưng thực ra, tài năng sẽ trở nên chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu thái độ đúng đắn. 

Những thái độ khác nhau có thể ảnh hưởng tới các thành viên có tài năng trong đội:

Nếu muốn đạt thành tích vượt trội thì phải là người giỏi và có thái độ hơn người. Thái độ tốt thì năng lực của đội được nâng cao, ngược lại thái độ xấu sẽ lấy đi khả năng làm việc của nhóm.


2. Khi được bộc lộ thái độ sẽ có sức lan tỏa

Có nhiều việc trong nhóm không mang tính lây truyền như: tài năng, kinh nghiệm và lòng hăng hái. Nhưng thái độ thì lại mang tính chất ảnh hưởng. Khi chịu khó học hỏi với tinh thần khiêm tốn, bạn sẽ được đền đáp bằng sự tiến bộ mau chóng và những thành viên khác cũng sẽ nhanh chóng học hỏi tinh thần đó ở bạn. Khi người lãnh đạo lạc quan đối mặt và vượt qua những tình huống dễ gây nản lòng, thì người khác sẽ ngưỡng mộ phẩm chất đó và muốn được giống như họ. Khi một thành viên giải quyết công việc một cách khôn ngoan và dứt khoát sẽ gây ảnh hưởng tích cực và làm gương để người khác noi theo. Nhiều người có khả năng truyền cảm hứng cho đồng nghiệp. Nhiều người có xu hướng chấp nhận thái độ ứng xử của những người có kinh nghiệm – dựa vào sự cảm nhận, niềm tin và tiến tới thử thách.

Câu chuyện của Roger Bannister là một ví dụ về sức lan truyền của thái độ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, nhiều chuyên gia thể thao tin rằng không có vận động viên điền kinh nào có thể chạy được một dặm trong vòng bốn phút. Nhưng sau đó, họ đã phải thay đổi lại suy nghĩ đó. Ngày 6 tháng 5 năm 1954, Roger Bannister, một vận động viên điền kinh người Anh, đã chạy hết một dặm trong vòng 3 phút 59,4 giây trong cuộc thi đấu ở Oxford. Và không lâu sau đó có rất nhiều vận động viên điền kinh khác cũng có thể phá được kỷ lục 4 phút đó. Tại sao vậy? Bởi vì thái độ của những vận động viên điền kinh đã thay đổi. 

Thái độ và hành động của Bannister được thể hiện hài hòa. Thái độ của anh ảnh hưởng, tác động đến những vận động viên khác. Như vậy, chứng tỏ thái độ rất dễ lan tỏa.

3. Thái độ xấu lan tỏa nhanh hơn thái độ tốt

Chỉ có một thứ dễ lan tỏa hơn thái độ tốt đó là thái độ tồi. Nó rất dễ dẫn mọi người đến những hành động tiêu cực và thường gây tổn thương đến mọi người.

Một người quản lý đội bóng chày khôn ngoan đã chú ý đến điều này, anh không bao giờ sắp xếp những người lạc quan và những người bi quan cùng ở chung một phòng. Khi xếp phòng cho nhóm, anh luôn cho những người bi quan ở chung với nhau để họ không thể gây ảnh hưởng xấu cho những người khác.

Để thấy được thái độ có thể lan truyền nhanh chóng và dễ dàng như thế nào, hãy xem xét câu chuyện về các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm sau. Trong một trận thi đấu bóng đá, có năm người bị phát hiện ngộ độc thức ăn. Đầu tiên, họ điều tra và phát hiện ra tất cả năm người đều mua thức uống từ một gian hàng giảm giá đặc biệt ở sân vận động. Ngay lập tức, lời khuyến cáo không mua thức uống ở cửa hàng đó được thông báo với những khán giả trong sân vận động. Nhưng ngay khi thông báo đó được đưa ra, lập tức có đến hơn 200 người cảm thấy những triệu chứng của bệnh ngộ độc thực phẩm và phải nhập viện.

Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc ở đó. Vì sau vài cuộc điều tra, người ta phát hiện ra rằng nguyên nhân làm cho năm bệnh nhân đầu tiên bị ngộ độc thực phẩm không phải do cửa hàng ở trong sân vận động mà là một cửa hàng ở chỗ khác. Khi phát hiện ra thức uống tại sân vận động là an toàn, những người còn lại hồi phục nhanh chóng. Việc đó chứng tỏ thái độ lan truyền rất nhanh.

4. Rất khó nhận ra một thái độ xấu

Một số người khi tiếp xúc, chúng ta có thể cảm thấy thái độ người đó không tốt, nhưng lại không dám khẳng định chắc chắn và chúng ta cũng không thể chỉ ra thái độ của người đó không tốt ở điểm nào.

Lý do mọi người nghi ngờ nhận xét của bản thân về thái độ của người khác là do thái độ mang tính chủ quan. Một người có thái độ xấu có thể không làm việc gì trái pháp luật hay không hợp đạo lý nhưng thái độ của anh ta lại có thể phá hủy nhóm vì nó có tính lây lan. 

Mọi người thường đánh giá một người thông qua vẻ bên ngoài của người đó. Thái độ của một người cho biết người đó như thế nào. Nó được thể hiện qua một số hành động: 

Không bao giờ thừa nhận mình đã làm sai. Không ai là hoàn hảo cả, nhưng lại có những người luôn nghĩ mình là người hoàn hảo. Những người đó không thể là đồng đội lý tưởng vì thái độ của họ sẽ luôn tạo nên xung đột trong nhóm.

Không bao dung. Hãy quên đi những lỗi lầm do người khác gây ra cho bạn. Bạn sẽ không thấy thoải mái nếu vẫn giữ sự hận thù trong lòng. Khi các thành viên không biết tha thứ và bao dung, thì điều đó chắc chắn sẽ làm tổn hại nhóm.

Sự ganh tị nhỏ nhen. Thái độ muốn chống lại mọi người để giành lấy sự công bằng có nguồn gốc từ sự ganh tị nhỏ nhen. Những người có thái độ xấu thường tin rằng mọi người xứng đáng được đối xử công bằng như nhau, bất kể sự khác biệt về tài hoa, năng lực hay tác động. Nhưng sự thật là mỗi người chúng ta là một cá thể độc lập và cách thể hiện của mỗi người cũng khác nhau, do đó kết quả là chúng ta được đối xử đúng với những gì chúng ta đã làm.

Cái tôi quá lớn. Những thành viên nào có thái độ đó thì đều cho rằng mình là người quan trọng nhất. Hành động của họ cũng nhằm chứng tỏ họ là số một. Và căn bệnh đó luôn dẫn đến một kết quả không thể tránh được, đó là sự thất bại của cả nhóm. 

Thích phê bình. Những người này sẽ tìm mọi lý do để phê bình và phàn nàn về người khác. Ví dụ, nếu đi nhà thờ, họ sẽ phàn nàn về đủ thứ: từ việc bài thuyết giảng của vị mục sư và giọng ca của đội đồng ca thật tẻ nhạt cho đến sự ồn ào của những người xung quanh.

Mong muốn chiếm được sự tín nhiệm. Đây là một thái độ xấu khác làm tổn hại đến nhóm và cũng tương tự như “căn bệnh cái tôi”. Ở đâu có người muốn giành hết sự khen ngợi thì ở đó môi trường làm việc sẽ trở nên căng thẳng và dễ bị chia rẽ. Thay vì mong muốn giành được sự tín nhiệm và khen ngợi, hãy làm việc hết mình và bạn sẽ nhận được chúng.

Đây chỉ là một vài thái độ xấu phổ biến. Tính ích kỷ là nguồn gốc của tất cả những thái độ xấu: hạ thấp người khác, cho mình là quan trọng hơn nhóm,… Và chắc chắn những thái độ xấu đó sẽ phá hỏng nhóm.

Tính ích kỷ là nguồn gốc của tất cả những thái độ xấu

5. Thái độ tồi có thể phá hỏng mọi thứ

Thái độ xấu phải được chỉ điểm vì nó luôn gây ra những mối bất đồng, sự oán giận, sự gây gổ và chia rẽ trong nhóm. Vì vậy, hãy loại bỏ những thái độ xấu ra khỏi nhóm trước khi chúng phá hoại nhóm của bạn. Đừng do dự vì nếu để một trái táo hỏng vào thùng táo có chất lượng tốt, thì cuối cùng bạn sẽ có một thùng táo bị hư thối. 

Tổng thống Mỹ, Thomas Jefferson nhận xét: “Không gì có thể ngăn cản người có thái độ đúng đắn đạt được những mục tiêu của mình, và cũng không gì có thể giúp một người có thái độ sai trái đạt được những mục tiêu đó.” Nếu lo lắng cho nhóm và muốn giúp đỡ đồng đội, thì bạn không thể phớt lờ trước thái độ xấu. Nếu không loại bỏ những thái độ xấu, thì cuộc hành trình của bạn sẽ vô cùng khó khăn.

NGƯỜI BẠN TỐT HAY KẺ THÙ XẤU XA

Thái độ phản ánh con người. Nó quyết định cách một cá nhân nhìn nhận thế giới hay tác động đến người khác như thế nào. Thái độ tích cực hay tiêu cực đều ảnh hưởng đến sự thể hiện của mọi người bất kể tài năng, thành tích hay tình hình tài chính của người đó.

Câu chuyện sau có thể minh họa cho nguyên tắc này. Một trường học đã tiến hành cuộc thử nghiệm những lớp học đặc biệt mà trong đó các giáo viên và sinh viên đều là những người giỏi nhất. Kết quả là khi kết thúc học kỳ cuối, những sinh viên này đã đạt thành tích cao hơn so với những sinh viên khác. Nhưng lúc đó, họ cũng được thông báo một sự thật đó là các sinh viên và giáo viên được chọn không phải là những người giỏi nhất mà chỉ là sự chọn lựa ngẫu nhiên.

Nếu những sinh viên và giáo viên trên đều được chọn lựa một cách ngẫu nhiên, thì điều gì làm cho họ đạt được kết quả tốt hơn so với những nhóm khác? Đó chính là thái độ của những người có liên quan. Do mong đợi thành công, nên các giáo viên và sinh viên đã làm tăng thêm khả năng thành công. Chính thái độ của họ đã làm nên sự khác biệt.

Nếu muốn mang lại cho nhóm cơ hội tốt nhất để đạt được thành công thì bạn phải thực hành Nguyên tắc Quả táo hỏng. Hãy đổi trái táo xấu để lấy trái táo tốt và bạn sẽ có được cơ hội.

TƯ DUY ĐỒNG ĐỘI

Thái độ của bạn sẽ quyết định thái độ của nhóm.

ĐỂ TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN TỐT HƠN

Thái độ của cả nhóm bắt đầu từ thái độ của chính bạn. Bạn đã làm như thế nào? Ví dụ, bạn có…

  • Suy nghĩ là nhóm sẽ không thể xoay sở được khi thiếu bạn? 
  • Cho rằng những thành công của nhóm gần đây là do năng lực của bạn, chứ không phải do công sức của toàn nhóm? 
  • Tiếp tục đóng góp khi những lời khen ngợi và bổng lộc đều được trao cho các thành viên khác trong nhóm?
  • Khó nhận ra mình đã mắc sai lầm? 
  • Chỉ ra những sai lầm trong quá khứ của những người cùng nhóm?
  • Cho rằng mình được trả lương quá thấp?

Nếu muốn nhận xét về thái độ của người khác thì hãy xem xét lại thái độ của bạn trước. Hãy nhờ người khác đánh giá thái độ của bạn. Và nếu nghĩ rằng tiền lương của bạn không được trả công bằng, bạn cần tranh luận đến cùng với người chủ và tìm ra chỗ đứng thật sự của mình. Tuy nhiên, nếu rời khỏi vị trí của mình nhưng lại không tìm được thành công trong môi trường mới thì điều đó chứng tỏ bạn đã đánh giá quá cao giá trị của mình. 

ĐỂ TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO GIỎI HƠN

Nếu biết có một “trái táo xấu” và nó sẽ ảnh hưởng đến cả nhóm, thì bạn cần nói chuyện thẳng thắn với người đó. Hãy cho anh ta biết những suy nghĩ của bạn và cho anh ta một cơ hội để sửa đổi. Nếu anh ta thay đổi, điều này sẽ là một thắng lợi cho nhóm. Nếu anh ta không thay đổi, hãy loại anh ta ra khỏi nhóm. Bạn không thể cho phép anh ta ở lại, bởi vì bạn có thể chắc chắn rằng thái độ không tốt của anh ta sẽ phá hỏng cả nhóm.

Mọi mối quan hệ không bình đẳng thì đều không thể kéo dài

                                                                                                                                                  john c.maxwell
0911.581.983