Bài học “quả táo thối” và cách giảm tiêu cực nơi công sở

Công sở là nơi hình thành nhiều mối quan hệ phức tạp. Môi trường công sở luôn đa dạng các văn hóa, tính cách. Bởi vậy không thể tránh khỏi những mâu thuẫn nảy sinh, “được lòng người này, mất lòng người kia”. Nhiệm vụ của nhà quản lý nhân sự phải tìm được những giải pháp giúp điều hòa, cân bằng giữa các nhân viên. Bài học về “quả táo thối” dưới đây rất đáng để suy ngẫm cho dù bạn là nhân viên bình thường, người quản lý hay tổng giám đốc.

Bài học “quả táo thối” và cách giảm tiêu cực nơi công sở
Câu chuyện “Quả táo thối”

Câu chuyện “quả táo thối”

Vị Tổng giám đốc của một công ty lớn đã đưa ra quyết định nhằm xây dựng văn hóa công ty, ông muốn tất cả nhân viên tham gia đóng góp ý kiến. Ông yêu cầu mỗi nhân viên của các phòng ban ngày nào cũng phải mang theo một túi đựng táo.

Mỗi quả táo trong túi chính là một cái tên của đồng nghiệp mà họ đang không thích, họ thấy rằng người này thiếu năng lực, không phù hợp với công ty, cần phải thay đổi cách làm việc hay thậm chí cần phải thuyên chuyển hoặc nghỉ việc, kể cả tên các trưởng phòng, phó phòng và giám đốc.

Số táo trong túi của mỗi người sẽ không bị giới hạn, vì nó phụ thuộc vào số lượng người mà nhân viên ấy không ưa và muốn họ thay đổi. Tất nhiên, mỗi người cần phải tuyệt đối bảo mật về những cái tên trong túi táo và những điều họ muốn gửi gắm và phải buộc nó thật chặt. Chỉ có Tổng giám đốc quyền lực nhất mới được biết nội dung trong các túi táo. Kết thúc 4 tuần trưng cầu ý kiến sẽ là một buổi thuyết trình của cá nhân về số táo ấy, ai có những đóng góp tích cực nhất sẽ được giám đốc trọng thưởng.

Khi cuộc vận động bắt đầu, ai ai cũng hồ hởi chuẩn bị táo và nghĩ xem mình cần chuẩn bị gì cho buổi thuyết trình cá nhân. Sếp Tổng đề nghị nhân viên nào cũng phải mang túi táo của mình bên cạnh ở bất cứ nơi đâu trong đúng một tháng, nhưng phải giữ nguyên số táo lúc đầu.

Tuần thứ nhất, nhiều người có túi táo rất nhẹ, dường như chỉ có vài quả. Nhưng cũng có nhiều người ngay từ những ngày đầu đã phải mang vác khệ nệ. Một tuần trôi qua, các nhân viên đều cố gắng suy nghĩ để tìm ra lỗi của các đồng nghiệp , nghĩ tới những người làm mình không hài lòng, với hi vọng sẽ làm thay đổi công ty, mang những điều tích cực nhất cho môi trường mình đang làm việc. Cứ thế, số táo tăng lên mỗi ngày.

Sang đến tuần thứ hai, nhiều người bắt đầu cảm thấy khó chịu vì sức nặng của túi táo và mùi táo thối bắt đầu bay ra, ngay cả khi họ đã buộc túi táo rất chặt. Khổ nhất là những người vừa phải xách nặng, vừa phải ngửi mùi táo thối trong suốt một ngày dài làm việc. Tới tuần thứ ba, không ai thực sự muốn thêm một quả táo nào vào túi của mình, mà chỉ mong đến ngày hoạt động góp ý này kết thúc.

Tuần cuối cùng, mùi táo thối khiến cả công ty nặng nề và khổ sở. Không ai còn có thể nghĩ đến việc tìm lỗi, bắt lỗi của người khác nữa, đơn giản là bởi họ đã quá khổ sở trong việc giữ và vác túi táo thối nặng nề đi khắp mọi nơi, nhiều khi những người xung quanh cũng phải tránh xa và lắc đầu không hiểu.

Ai cũng ân hận là mình đã không có cái nhìn tích cực hơn với người khác. Họ tự nhiên cảm thấy những đồng nghiệp mà họ chê trách và coi thường vẫn còn có rất nhiều điểm tích cực.

Đến ngày cuối cùng, khi chuẩn bị được giải thoát khỏi túi táo thối, các nhân viên đều cảm thấy như chính tâm hồn mình được giải thoát. Không ai còn muốn hùng biện hay thuyết trình nữa, mà chỉ muốn tĩnh lặng để suy nghĩ về hoạt động vừa rồi và bản thân mình. Khi tới gặp vị Tổng giám đốc cùng với túi táo thối của mình, ai ai cũng xúc động và cảm thấy bản thân cần phải suy nghĩ lại về những lời chia sẻ về ý nghĩa bao hàm hoạt động này của sếp Tổng.

“Các đồng nghiệp thân mến của tôi, tôi muốn chia sẻ với các bạn trong những kinh nghiệm quý báu nhất cuộc đời mà tôi đã trải qua thì đây chính là bài học sâu sắc mà tôi đã được học và bây giờ tôi muốn chia sẻ lại với các bạn. Túi táo thối mà các bạn đang cầm trên tay chính là tâm trạng của bạn khi bạn coi thường, ghét bỏ, kì thị hay định kiến về một ai đó. Chính những cảm xúc tiêu cực này làm ô nhiễm trái tim bạn và bạn sẽ phải chịu đựng nó ở bất cứ nơi nào bạn tới.

Không ai trên đời hoàn hảo cả, ai cũng còn những mặt tốt mà những người khác không biết đến, lấy đâu ra một viên ngọc óng ánh mà chưa qua mài giũa, phải không? Tất cả chúng ta, ai cũng có những mặt tích cực của họ để chúng ta hi vọng, động viên và khích lệ, giúp đỡ và hỗ trợ. Nếu bạn không thể chịu được mùi táo thối trong một thời gian ngắn ngủi đó thì tôi tin các bạn cũng chẳng thể chịu được mùi hôi thối của ghét bỏ, thù hận , kì thị và định kiến trong lòng trong suốt cả cuộc đời rất dài của bạn.

Tôi thật vui mừng vì các bạn đã tìm được bí quyết tốt nhất để đóng góp cho sự phát triển của công ty, đó chính là nỗ lực phối hợp và tương trợ lẫn nhau, dựa trên tấm lòng bao dung rộng mở và cái nhìn luôn thiện tâm đối với những người khác. Cám ơn các bạn vì sự đóng góp này”. (Theo CafeBiz)

Bài học rút ra từ câu chuyện “quả táo thối”

Từ câu chuyện quả táo thối, ai cũng thấy chính mình trong đó. Tự suy ngẫm và thay đổi. Xét cho cùng, đồng nghiệp là người gắn bó với ta có thể là một khoảng thời gian dù ngắn dù dài. Việc tạo không khí làm việc “trong sạch” sẽ giúp chính bản thân mình và các người đồng nghiệp khác làm việc được thoải mái, cảm thấy muốn cống hiến, muốn gắn bó lâu dài.  Một doanh nghiệp mà nội bộ lục đục thì sẽ gặp phải rất nhiều các vấn đề như: hiệu quả công việc giảm, mâu thuẫn, cảm thấy khó có thể gắn bó lâu dài với công ty.

Bài học “quả táo thối” và cách giảm tiêu cực nơi công sở

Doanh nghiệp có tồn tại và phát triển lâu dài được hay không, phụ thuộc vào “nhân lực” tức là phụ thuộc vào con người. Không máy móc nào có thể làm thay con người được. Khi tự bản thân mỗi nhân viên có ý thức, biết thông cảm và chia sẻ thì công ty sẽ phát triển nhanh chóng.

Bài học “quả táo thối” cũng để các nhà quản lý nhìn nhận thực tế tình trạng của công ty để có những biện pháp xử lý hiệu quả, tránh để lại những hậu quả không mong muốn. Hãy là một nhà quản lý kiêm “nhà tâm lý” để xây dựng văn hóa doanh nghiệp khiến nhân viên muốn gắn bó lâu dài.

Tony Dzung